Đây là một bài viết khá thú vị, không phải do tôi viết. Bài dịch này của blog (Dấu hiệu thời đại), xin trích dẫn (chưa xin phép) lại ở đây để các bạn tiện đọc.
Hãy khoan nói đến tính đúng sai, bài viết đưa ra những cái nhìn hay về thị trường tài chính và những kẻ “tay to” đang chi phối nó.
Tác giả: Pierre Lescaudron
Nguồn: Sott.net
Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại
“Hãy cho phép ta phát hành và kiểm soát tiền tệ của một quốc gia, và ta sẽ không quan tâm ai là người làm ra luật pháp.”
Hợp đồng Hoán đổi Rủi ro Tín dụng (Credit Default Swap – CDS), Chứng khoán Đảm bảo bằng Thế chấp (Mortgage Backed Securities – MBS), đầu tư từ dưới lên, giao dịch tần suất cao, bán khống không đảm bảo (naked short sale)… đấy là những thuật ngữ phức tạp mà bạn gặp khi bắt đầu khám phá khu rừng rậm tài chính.
Nhưng đừng lầm. Sự lạm dụng thuật ngữ này là có ý đồ nhằm gây lầm lẫn và tiêu diệt mọi động lực tìm hiểu khám phá thêm nữa. Rõ ràng là “bọn họ” không muốn bạn hiểu bởi vì họ đang giấu giếm một số bí mật bẩn thỉu bọc trong những thuật ngữ nghe có vẻ phức tạp.
Tuy nhiên, cạo bỏ lớp vỏ ngoài có vẻ phức tạp này và bản chất của tài chính trở nên đơn giản đến đáng ngạc nhiên… và kinh tởm nữa. Mục tiêu của bài viết này là giải thích, bằng ngôn ngữ thông thường, những nguyên tắc tài chính và sự nô lệ mà hầu hết các cá nhân và quốc gia đang phải chịu. Tôi cũng sẽ chỉ ra tại sao có thể chẳng bao lâu nữa mọi thứ sẽ đổi khác rất nhiều và đưa ra một số lời khuyên hữu ích cho sự xáo động tài chính ở phía trước.
Tóm tắt tổng quan ngắn gọn về tài chính
- Các diễn viên là ai?
Trong thế giới tài chính, nguyên lý nhị nguyên có mặt ở hầu hết mọi nơi. Bạn hoặc là ông chủ, hoặc là nô lệ. Các ông chủ là một nhóm nhỏ những cá nhân giàu có một cách quá mức và không có lương tâm. Chúng có nhiều cái tên: hội kín quốc tế, giới chủ ngân hàng, giới siêu giàu, nhóm 0,1%, đầu sỏ chính trị, v.v…
Mục tiêu duy nhất của chúng là tiền bạc, quyền lực và sự kiểm soát. Chúng sẽ không bao giờ có đủ và chúng sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có nhiều hơn nữa. Cơ sở địa lý và ý thức hệ của chúng là đế quốc Anh – Mỹ, nhưng chúng không biết đến biên giới, không có tổ quốc, không có khái niệm gì về dân tộc hay lòng yêu nước. Đối với chúng, quốc gia giống như những khách sạn, tồn tại chỉ để sử dụng, lạm dụng, và khi không còn hữu ích nữa thì phá hủy. Chúng có lòng khinh bỉ sâu sắc đối với những người mà chúng coi không hơn gì các nô lệ để chúng khai thác, lạm dụng và lừa dối.
- Tiền là gì?
Bây giờ chúng ta đã biết thêm một chút về dàn diễn viên của vở kịch này, hãy xem xét đến tiền. Hãy nhìn tờ 20 đôla này. Bạn thấy gì? Về cơ bản, nó là một mảnh giấy với vài hình ảnh và chữ viết in trên đó. Mặc cho tất cả những lời láo toét về việc tiền tệ là sự phản ảnh của nền kinh tế quốc gia, về sự đảm bảo cho tiền tệ bằng tài sản dự trữ quốc gia, tờ tiền mà bạn đang thấy không phải là cái gì khác: một mảnh giấy với chút mực in trên đó.
Hãy suy nghĩ về điều đó. Để các chủ ngân hàng in ra một tờ 20 đôla, tất cả những gì họ cần là giấy và mực. Bạn nghĩ cần bao nhiêu chi phí để in ra một tờ 20 đôla, nhớ rằng hàng triệu tờ được in ra mỗi đợt? Khoảng 10 xu. Nhưng khi tờ giấy đó được đưa cho bạn, nó được hóa phép thành tương đương với 20 đôla giá trị công sức hay tài sản thực sự. Cùng một quá trình như vậy xảy ra với những đồng 50, 100 đôla, v.v…
Đó là điều quan trọng nhất cần hiểu: tiền được tạo ra từ hư không. Nhưng sự dối trá này quá kinh khủng, quá tởm lợm với tâm trí đến nỗi chúng ta gặp rất nhiều khó khăn để chấp nhận sự thật đó.
Tờ 20 đôla trước năm 1971. Lưu ý vùng được khoanh đỏ: “Chứng chỉ vàng” và “hai mươi đôla tiền vàng được trả cho người mang theo yêu cầu”. |
Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng như vậy. Trong hầu như suốt cả lịch sử hiện đại, tiền giấy phải được đảm bảo bằng tài sản vật chất, thường là vàng. Và bạn có thể đi ra ngân hàng và đổi tờ tiền giấy của bạn lấy vàng vật chất (xem bức hình đồng đôla trước năm 1971). Nhưng từ năm 1971, đồng đôla không còn chuyển đổi thành vàng được nữa. Nó không được đảm bảo bởi bất cứ cái gì.
Vì vậy giá trị duy nhất của nó là cái mà chúng ta gán cho nó. Niềm tin tập thể là yếu tố chính trong quá trình phù phép kinh tế mà chúng ta đang nói tới. Tâm lý thị trường là một yếu tố mạnh mẽ cho cả cái tốt lẫn cái xấu. Tôi sẽ nói thêm về điểm này sau.
- Ai tạo ra tiền?
Tạo ra tiền có thể là điều tốt. Trong quá khứ, các quốc gia có thể trực tiếp tạo ra tiền như một sự phản ảnh trung thực tình trạng kinh tế của họ, và tiền được tạo ra không có lãi suất nhằm mục đích kích thích phát triển. Nhưng thời kỳ của sự khôn ngoan trong kinh tế đã qua từ lâu rồi. Ngày nay, các quốc gia vay số tiền lớn đến mức khủng khiếp, với lãi suất dương. Số tiền này được tạo ra bởi một số ít ngân hàng tư nhân, còn được gọi là ngân hàng trung ương, và nó thậm chí không đến tay người dân. Vâng, bạn đã đọc đúng đấy. Tờ tiền mà bạn đang cầm trong tay được tạo ra từ hư không bởi bọn đầu sỏ tài chính. Nhưng lượng mồ hôi, công sức mà bạn bỏ ra để kiếm được nó là rất thực.
Lý do ngụy biện dùng để biện minh cho việc tạo ra tiền bởi các ngân hàng tư nhân là chính phủ không đủ khôn ngoan, và nếu họ được phép in tiền, họ sẽ tạo ra quá nhiều và gây bất ổn cho thị trường. Đó là một sự dối trá. Kỷ lục về lượng tiền nhiều nhất từng được tạo ra cùng một lúc xảy ra sau cuộc khủng hoảng năm 2008 (xem về “nới lỏng định lượng” (quantitative easing), một thuật ngữ khó hiểu khác có nghĩa đơn giản là “in tiền như một thằng điên”), và chính các chủ ngân hàng tư nhân chứ không phải các chính phủ là kẻ tạo ra lượng tiền đó.
- Bao nhiêu tiền đã được tạo ra?
Câu trả lời ngắn gọn là: “Chúng ta không biết chính xác nhưng chắc chắn là rất nhiều”. Lượng tiền tạo ra được gọi là “cung ứng tiền tệ”. Tùy thuộc vào loại tiền (tiền xu, tiền giấy, thẻ tín dụng, tài khoản tiết kiệm, v.v…) mà cung ứng tiền tệ được chia thành các nhóm nhỏ và đánh ký hiệu M1, M2, M3.
Sự gia tăng của chỉ số cung ứng tiền tệ: M1 (đỏ) và M2 (xanh) (1981-2013) |
Vấn đề là ở chỗ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (nó không phải của Mỹ, cũng không phải liên bang hay dự trữ gì cả, mà là một ngân hàng tư nhân phục vụ độc quyền cho lợi ích của các chủ nhân của nó) đã ngừng công bố dữ liệu liên quan đến tổng số tiền được tạo ra. Chỉ một phần dữ liệu (M1 và M2) được tiết lộ và chúng cho thấy sự gia tăng nhanh chóng đến nghẹt thở và không thể duy trì lâu bền được. Nhưng M3, chỉ số tiền tệ lớn nhất, không còn được công bố từ năm 2006. Tại sao không công bố M3 nếu mức độ của nó là hợp lý?
- Nợ là gì?
Tiền có thể được trao tay để đổi lấy hàng hóa và dịch vụ, nhưng nó cũng có thể được cho vay với thỏa thuận trả nợ trong tương lai. Trong nhiều thập kỷ, cho vay lấy lãi bị coi là bất hợp pháp và vô đạo đức, nhưng thời kỳ ấy cũng đã qua từ lâu.
Ngày nay, cho vay đi kèm với lãi suất. Khi bạn vay $100, bạn cuối cùng sẽ phải trả $120, $150 hay $200. Lãi suất được biện minh như sự bồi hoàn cho rủi ro. Một lần nữa, cái đó là hoàn toàn láo toét. Khi bạn vay tiền, ngân hàng nắm giữ nhà của bạn (lấy ví dụ) để làm thế chấp. Vì vậy, nếu bạn không trả số tiền mà họ tạo ra từ hư không (thậm chí không cần vay từ ngân hàng trung ương), họ sẽ lấy ngôi nhà rất hữu hình của bạn. Về khía cạnh này, bạn là người phải chịu rủi ro, và do đó bạn là người phải được bồi hoàn chứ không phải họ!
Sự ngụy biện của lãi suất dương bị vạch trần thêm nữa khi các ngân hàng trung ương bắt đầu đặt ra lãi suất âm đối với các ngân hàng khác. Đây là nỗ lực tuyệt vọng nhằm bơm tiền vào hệ thống ngân hàng tha hóa và do đó rất bấp bênh. Dĩ nhiên, lãi suất âm chỉ được đề xuất với các ngân hàng, trong khi chúng ta, những người dân, tiếp tục trả lãi suất dương.
Lưu ý rằng ngay trong nguyên tắc của sự vay nợ chứa đựng một trong những khía cạnh tiêu cực nhất của tài chính hiện đại: kẻ giàu có rất nhiều tiền nên chúng có thể cho vay. Người nghèo không có tiền nên họ phải vay. Khi kết thúc khoản vay, kẻ giàu lấy lại vốn + lãi suất (chúng trở nên giàu hơn), người nghèo phải trả khoản tiền vay + lãi suất (họ trở nên nghèo hơn). Do vậy, vay nợ là một trong những nguyên nhân chính khiến sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng.
Mức thu nhập trung bình 1980 – 2012. Từ trên xuống: nhóm đỉnh 0.01%; đỉnh 0.1%; đỉnh 1%; đỉnh 10%; 90% còn lại. |
Ngày nay, 225 người giàu nhất thế giới (trong đó 60 là người Mỹ) có tổng số tài sản hơn một ngàn tỷ đôla. Đó là tổng thu nhập hàng năm của 3,5 tỷ người nghèo nhất.
- Ai quyết định lãi suất?
Những kẻ tạo ra tiền cũng là những kẻ quyết định lãi suất. Để duy trì ảo tưởng về sự công bằng và phân chia quyền lực, chúng tạo ra các tổ chức bù nhìn gọi là “tổ chức xếp hạng tín dụng” (Fitch, Standard & Poor, v.v…) có nhiệm vụ “đánh giá” độ tin cậy của người vay. Nếu độ tin cậy thấp, lãi suất sẽ cao. Hay đó là điều chúng ta được bảo.
Các tổ chức xếp hạng tín dụng đã nhiều lần bị kết tội gian lận. Họ đơn phương thiết lập lãi suất để quyết định số phận của một công ty hay một quốc gia.
Lấy Hy Lạp làm ví dụ. Chỉ qua đêm, các tổ chức xếp hạng tín dụng tăng tỷ lệ lãi suất của nước này một cách kinh khủng. Nhưng Hy Lạp không thể ngừng vay vì họ phải trả những khoản vay trước đó. Đột nhiên, khối lượng của các khoản nợ trở nên không thể chịu nổi, đẩy Hy Lạp đến bờ vực phá sản.
Tại thời điểm này, Hy Lạp không còn lá bài đàm phán nào và phải chấp nhận sự cướp phá đất nước bởi tầng lớp chủ, những kẻ chiếm quyền kiểm soát các dịch vụ công, tài nguyên thiên nhiên, v.v… Trò ăn cướp quá đáng này được gọi một cách hoa mỹ là “gói viện trợ IMF”.
- Tư hữu hóa lợi nhuận, xã hội hóa thua lỗ
Trong ví dụ của Hy Lạp, các hoạt động có lợi nhuận được tư hữu hóa (nghĩa là được chuyển từ của công sang thành tài sản của một số kẻ đầu sỏ tư nhân) với giá rẻ như bèo, hoặc cho không. Nhưng nếu một hoạt động tư nhân không có lãi, điều ngược lại xảy ra: các khoản lỗ được xã hội hóa, tức là chuyển sang cho người dân, những người phải trả các khoản thua lỗ đó bằng tiền thuế đóng vào công quỹ.
Đó cũng là điều đã xảy ra ở nhiều nơi khác, ví dụ với Fannie Mae và Freddie Mac, hai công ty bảo hiểm tư nhân bị khoản thua lỗ khổng lồ và được “giải cứu” bởi Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Trong trường hợp này, hàng trăm tỷ đôla tiền công quỹ đã được sử dụng để bù các khoản lỗ mà hai công ty tư nhân này tạo ra.
- Lạm phát
Khi giá cả hàng tiêu dùng (bánh mì, sữa, bóng đèn…) gia tăng và tiền lương giữ nguyên, chúng ta nói có lạm phát. Chúng ta được bảo rằng lý do tại sao chính phủ không nên được trao quyền in tiền để tăng lương bù cho lạm phát là vì họ sẽ in quá nhiều và người dân sẽ dùng số tiền có thêm đó để mua hàng hóa, dẫn đến tình trạng khan hiếm và điều đó sẽ làm giá cả tăng nữa.
Nhưng cuộc khủng hoảng năm 2008 đã chứng minh đây là một trò biện hộ dối trá. Các ngân hàng tư nhân tạo ra hàng ngàn tỷ đôla mà lạm phát không tăng. Tại sao? Bởi vì số tiền được tạo ra đó không đi vào túi chúng ta. Nhớ là chỉ số lạm phát chỉ bao gồm các hàng hóa tiêu dùng, nó không bao gồm cổ phiếu hay nguyên liệu (ngũ cốc, nguyên liệu thô, v.v…)
Lượng tiền khổng lồ được tạo ra (đường xanh) làm tăng giá cổ phiếu (SP500 – đường nâu) và nguyên liệu thô (đường đỏ) |
Sau năm 2008, những thị trường đó bắt đầu gia tăng bong bóng một cách điên cuồng bất chấp bối cảnh kinh tế rất tiêu cực. Cổ phiếu (SP500) đã tăng hơn 200% kể từ năm 2009 và nguyên liệu thô đã tăng 100% (xem biểu đồ). Điều đó cho thấy khá rõ ràng rằng số tiền được tạo ra đi thẳng vào túi bọn chủ ngân hàng, những kẻ sử dụng nó để đầu cơ vào các thị trường này.
- Vốn đầu tư và công lao động
Nói một cách vắn tắt, tiền bạc làm việc cho những kẻ giàu có (vốn đầu tư tăng), trong khi ngược lại, những người nghèo làm việc để kiếm tiền (tiền lương). Trong những năm qua, tỷ lệ tiền lương trong GDP đang thu nhỏ lại trong khi tỷ lệ vốn đầu tư thì gia tăng.
Lợi nhuận doanh nghiệp (đường xanh) so với lương nhân viên (đường đỏ) |
Biểu đồ bên trên cho thấy những thay đổi này và minh họa dòng chảy của cải vật chất ghê gớm từ túi người dân sang tầng lớp giàu có. Điều này có nghĩa là các công ty, sự kết hợp giữa vốn đầu tư và công lao động, ngày càng ưu ái các cổ đông giàu có của họ và vắt kiệt tài chính các công nhân.
Thuế là tiền mà nhà nước thu từ các cá nhân và công ty để tài trợ cho dịch vụ công cộng (bệnh viện, trường học, đường sá, v.v…) và là một trong số ít những cơ chế cho phép phân phối lại tiền bạc từ những kẻ giàu nhất sang những người nghèo nhất.
Tuy nhiên, lưu ý rằng một phần đáng kể tiền thuế không được dùng để tài trợ cho các dịch vụ công mà dùng để thanh toán lãi suất. Khoản này vượt xa các chi tiêu chính phủ như giáo dục hay tem phiếu lương thực, mặc dù lãi suất hiện nay đang ở mức thấp kỷ lục. Do đó, thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu lãi suất tăng mạnh…
Nếu các quốc gia thu được đủ thuế, họ sẽ không cần vay nợ và không bị rơi vào tình trạng nô lệ tài chính. Đó là lý do tại sao các học thuyết kinh tế hàng đầu ca ngợi việc giảm thuế.
Nhưng đừng có lầm. Việc giảm thuế không dính dáng đến chúng ta. Trong khi tiền kiếm được từ công lao động (tiền của người nghèo) bị đánh thuế nặng và khoản thuế đó tiếp tục tăng, tiền kiếm được từ vốn đầu tư (tiền của người giàu) hầu như không bị đánh thuế. Ở nhiều nước (Bỉ, Hà Lan, Hy Lạp, Bồ Đào Nha…), thuế trên lợi nhuận đầu tư còn bằng không.
Mức thuế thu nhập thấp nhất (dưới) và cao nhất (trên) |
Nếu điều đó còn chưa đủ, tỷ lệ thuế cho người giàu tiếp tục giảm trong khi tỷ lệ thuế cho người nghèo giữ hầu như không đổi (xem biểu đồ).
Nếu bạn muốn ngừng đóng góp cho một hệ thống thuế bất công như vậy, bạn có thể muốn mở tài khoản tại một trong nhiều thiên đường thuế nằm rải rác trên khắp thế giới. Nhưng khi bạn được thông báo về số tiền ký quỹ tối thiểu và số dư tối thiểu, bạn sẽ hiểu tại sao thoát khỏi thuế má chỉ dành cho người giàu.
- Xã hội không dùng tiền mặt
Trong nhiều năm trời, giới cầm quyền thúc đẩy hướng tới xã hội không dùng tiền mặt. Dĩ nhiên, đây là một bước rõ rành rành hướng tới chế độ toàn trị nơi mà mọi giao dịch tiền nong đều bị theo dõi. Trong xã hội không dùng tiền mặt, chính phủ có thể quyết định dập tắt những người bất đồng chính kiến bằng việc cô lập họ hoàn toàn khỏi nền kinh tế. Tuân thủ hay là chết đói là hai lựa chọn duy nhất.
Nhưng đây cũng là một cách để đảm bảo mọi người không trốn thoát khỏi hệ thống thuế bất công. Những kẻ giàu đã có sẵn tài khoản tại các thiên đường thuế, hàng đoàn luật sư và kế toán viên (tối ưu hóa tài chính), các công ty đóng trụ sở tại nước ngoài và các điều khoản lách thuế nên họ không cần tiền mặt để trốn thuế. Mặt khác, người dân bình thường chỉ có cách duy nhất để tránh gánh nặng thuế má nghẹt thở là dùng tiền mặt.
- Đôla quá nhiều
Trong khi hàng đống đôla được tạo ra hàng ngày, bạn có thể tự hỏi tại sao nó không làm đồng đôla mất giá, bởi vì bình thường, khi cung vượt quá cầu đối với bất kỳ loại hàng hóa nào, giá sẽ giảm xuống. Thực ra, trong vài thập kỷ qua, đồng đôla Mỹ đã giảm giá trị đều đặn so với các đồng tiền khác (xem minh họa).
Giá trị đồng đôla Mỹ so với một rổ tiền tệ khác (1971 – 2013) |
Tuy nhiên, sự suy giảm giá trị bị hạn chế bởi nhu cầu bắt buộc phải dùng đồng đôla. Năm 1944, hội nghị Bretton Woods khét tiếng thiết lập đồng đôla là đồng tiền dự trữ thế giới, đồng tiền duy nhất gắn với vàng trong khi tất cả các đồng tiền khác gắn với đồng đôla. Do đó, đôla Mỹ trở thành đồng tiền sử dụng cho thương mại quốc tế.
Ví dụ, khi Trung Quốc bán sản phẩm của họ cho một nước khác, nó được trả bằng đôla. Do Trung Quốc xuất khẩu rất nhiều, họ có hàng tỷ đôla dự trữ. Thông qua việc buộc phải mua đôla Mỹ này, Trung Quốc đã giúp hạn chế sự sụt giảm giá trị của đồng đôla. Nhìn theo cách này, Trung Quốc và cả thế giới, thông qua việc mua đồng đôla, đã giúp tài trợ cho sự giàu có của giới đầu sỏ tài chính, những kẻ tạo ra hàng đống đôla mới hàng ngày từ hư không.
Việc buộc phải mua đôla trên thị trường quốc tế không chỉ áp dụng với hàng hóa Trung Quốc. Dầu mỏ, thị trường nguyên liệu lớn nhất, được thanh toán hoàn toàn bằng đôla Mỹ. Nếu bạn muốn mua một thùng dầu mỏ, bạn phải đổi tiền tệ của bạn lấy đôla Mỹ (còn được biết đến với cái tên đôla dầu mỏ) và dùng nó để trả cho nhà cung cấp dầu. Trong một giao dịch như vậy, bạn làm suy yếu đồng tiền của bạn (bằng việc bán nó) và bạn củng cố giá trị của đồng đôla bằng cách làm gia tăng nhu cầu cần nó.
- Tình trạng ảm đạm
Từ những đoạn viết trên, bạn đọc chỉ có thể kết luận rằng tình hình có vẻ khá là tuyệt vọng. Trong hàng thập kỷ, chúng ta bị buộc phải sống với sự bá chủ của đồng đôla Mỹ, tài trợ cho lối sống xa hoa của những kẻ tạo ra đôla thông qua việc buộc phải mua đôla. Chúng ta đã bị nô lệ hóa thông qua nợ nần và nhìn thấy đất nước của chúng ta bị cướp bóc và tàn phá bởi bọn chủ ngân hàng vô nhân tính. Trong khi nguồn tài nguyên của chúng ta ngày càng giảm đi, tầng lớp giàu có ngày càng giàu hơn.
Nó có vẻ như là một vấn đề không có lời giải: bọn chúng có nguồn cung cấp tiền hầu như vô tận, chúng kiểm soát các ngân hàng và thông qua đó thao túng thị trường. Chúng sở hữu giới truyền thông, chúng điều khiển các chính trị gia và thông qua đó làm ra luật pháp.
- Ngôi nhà làm từ các lá bài
Quyền lực tích lũy được bởi bọn chủ ngân hàng cho đến nay, về lý thuyết, đã có thể đảm bảo cho chúng một triều đại cai trị vĩnh viễn. Nhưng lòng tham và sự mơ tưởng của chúng đã khiến chúng thực hiện ngày càng nhiều bước đi rủi ro không đáng có, gây ra những mối đe dọa rất thực tế đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng.
- Đòn bẩy tài chính
Đòn bẩy tài chính xác định tỷ lệ giữa số tiền đầu tư bởi một ngân hàng chia cho số tiền nó sở hữu.
Theo lẽ thường mọi người nghĩ rằng, nếu ngân hàng sở hữu 1 đôla, nó được phép đầu tư 1 đôla (đòn bẩy = 1). Vì vậy, nếu ngân hàng mất khoản đầu tư đó, nó có thể trả khoản thua lỗ với số tiền nó sở hữu. Suy nghĩ này không thể xa thực tế của ngành ngân hàng hơn được nữa.
Với một khoản tiền gửi 1 đôla, ngân hàng thường được phép đầu tư 10 đôla (đây được gọi là dự trữ tỷ lệ (fractional reserve). Đòn bẩy = 10). Nói một cách đơn giản, nó có nghĩa là nếu ngân hàng mất 10% hay hơn nữa số tiền đầu tư, nó sẽ bị phá sản.
Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu, nó còn tệ hơn nữa. Bị lôi kéo bởi lòng tham không có giới hạn, giới chủ ngân hàng bắt đầu cho nhau vay tiền, tạo ra những khoản tiền gửi giả mạo cho phép chúng đầu tư 10 lần số tiền gửi giả mạo đó, và cứ thế. Trong trường hợp này, đòn bẩy có thể đạt đến 100 hoặc hơn nữa.
Nhưng thế vẫn còn chưa đủ như được tiết lộ sau vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers. Ngân hàng này bị phát hiện đã thay đổi dữ liệu bằng cách xóa một số khoản đầu tư khỏi sổ sách kế toán để làm cho tỷ lệ đòn bẩy của họ trông tốt hơn (vụ này được biết dưới cái tên vụ lừa đảo Repo 105). Bạn có thực sự nghĩ rằng Lehman Brothers là ngân hàng duy nhất thay đổi sổ sách của họ?
Sự phá sản của Lehman Brothers là về tài chính nhưng cũng là về đạo đức |
Nói tóm lại, các ngân hàng đầu tư hơn số tiền họ sở hữu rất nhiều. Nhờ những khoản đầu tư đạt đến con số hàng ngàn tỷ đôla ấy, họ hoàn toàn làm chủ hầu hết các thị trường và dĩ nhiên, họ thu được lợi nhuận khổng lồ khi thị trường đi theo hướng họ muốn. Nhưng họ cũng gặp rủi ro rất lớn nếu thị trường đi theo hướng ngược lại.
- Phát sinh tài chính
Mức đòn bẩy cao chóng mặt của ngành ngân hàng dẫn đến rủi ro rất lớn nhưng vẫn còn các yếu tố khác cộng thêm vào tính bất ổn của ngôi nhà tài chính làm từ lá bài này.
Trong cuộc khủng hoảng tín dụng bất động sản dưới chuẩn năm 2008, bạn có thể đã nghe nói về “phát sinh” (derivatives). Một lần nữa, đây là một thuật ngữ lừa đảo mang cái vỏ bề ngoài của “sản phẩm tài chính mới cung cấp tiềm năng lợi nhuận cao”.
Trên thực tế, các phát sinh tài chính làm gia tăng hơn nữa mức độ đòn bẩy cao ngất trời mô tả ở phần trên. Nó cũng hòa trộn tiềm năng lợi nhuận và rủi ro của nhiều loại tài sản khác nhau. Kết quả là những tài sản độc hại không lường hết được che giấu trong những sản phẩm tài chính trông có vẻ vô hại.
Thị trường phát sinh tài chính lớn gần gấp 10 lần GDP của cả thế giới |
Thị trường phát sinh là khổng lồ. Năm 2011, nó có giá trị khoảng 700 ngàn tỷ đôla (10 lần GDP của toàn thế giới). Do đó, một lượng rất lớn những phát sinh tài chính độc hại này lan tỏa trong khắp nền kinh tế thế giới: các cá nhân, thị xã, tỉnh thành, quốc gia, công ty, và dĩ nhiên là ngân hàng, nắm giữ rất nhiều phát sinh mà không hề biết những tài sản, và thông qua đó rủi ro, nào chúng được gắn với.
Việc pha trộn các loại tài sản cũng dẫn đến sự phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau giữa tất cả các loại tài sản. Bởi vì số tiền liên quan vượt xa khả năng thanh toán của các quốc gia hay ngân hàng, chỉ cần một loại tài sản không hoạt động như mong đợi là cả ngôi nhà xây bằng lá bài sẽ đổ sụp.
- Giao dịch tần số cao
Một yếu tố rủi ro nữa là giao dịch tần số cao. Ngày nay, phần lớn (50 – 70% trong năm 2010) các giao dịch tài chính không được thực hiện bởi con người mà là bởi máy tính chạy các thuật toán. Nó được gọi là ‘tần số cao’ vì những máy tính như vậy có thể đặt một lệnh giao dịch trong 30 ms. Do sự tồn tại của công nghệ này, việc hàng ngàn, nếu không phải là hàng triệu, giao dịch có thể xảy ra trong chưa tới một giây là chuyện bình thường (tốc độ quá nhanh cho bất cứ can thiệp điều tiết nào của con người).
Phần trăm giao dịch tần số cao trong tổng số giao dịch cổ phiếu |
Không ai biết những thuật toán khác nhau đó tương tác với nhau như thế nào, nhưng chúng ta biết rằng chúng có thể tạo ra một số hiệu ứng domino nguy hại.
Những “trục trặc” đó còn được gọi là “sụp đổ cực nhanh”. Ví dụ, vào tháng 3/2011, giá ca cao giảm 13% trong vòng vài giây. Ngày 6/5/2010, chỉ số Dow Jones mất 1000 điểm (9%) trong vòng một ngày. Ngày 6/3/2011, đồng đôla Mỹ mất 5% giá trị so với đồng yên Nhật Bản trong vòng vài phút.
Lưu ý rằng không có bất cứ thông tin quan hệ nào xảy ra trước những cú rơi đầy kịch tính đó. Chúng là kết quả của các “quyết định” từ thuật toán. Để che giấu mức độ nghiêm trọng của tình hình, các quan chức Wall Street “xóa sổ” những giao dịch bất thường đó bằng cách đóng băng hệ thống báo giá và đặt nó về giá trị ban đầu.
Cuộc điều tra về vụ “sụp đổ cực nhanh” của chỉ số Dow Jones năm 2010 cho thấy “một thị trường phân mảng và mong manh đến mức chỉ một giao dịch lớn cũng có thể đẩy các cổ phiếu rơi vào một vòng xoáy đi xuống đột ngột”.
- Thao túng giá vàng
Trong hàng thế kỷ, vàng được dùng trong thương mại quốc tế và được coi là nơi trú ẩn tài chính an toàn. Nó là đồng tiền quốc tế mặc định, là kênh đầu tư an toàn nhất trong tất cả. Trong tâm trí của nhiều người, vàng vẫn là đối thủ cạnh tranh với đồng đôla. Vì vậy, để che giấu sự yếu kém của đồng đôla so với vàng và ngăn chặn dòng chảy của vốn đầu tư từ đôla vào vàng, giá vàng phải bị kéo xuống. Vàng phải trở nên kém hấp dẫn.
Sự thao túng này được thực hiện bởi 11 ngân hàng thông đồng với nhau (Barclays, Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs, HSBC, JPMorgan, Bank of America, Mitsui, Societe Generale, BNS và UBS). Những ngân hàng này kiểm soát Hiệp hội Thị trường Vàng London (LBMA), thị trường (ảo) về vàng lớn nhất trên thế giới. Những nước đi của họ trắng trợn đến mức họ đã nhiều lần bị kết tội gian lận giá vàng.
Trong giao dịch, không có sự khác biệt nào giữa vàng vật chất và vàng ảo. Do vậy, các chủ ngân hàng sử dụng một lượng khổng lồ vàng ảo trong các giao dịch bán khống: họ bán vàng trước khi mua nó!
Do năng lực giao dịch khổng lồ của họ, họ bán để đánh tụt giá vàng xuống mà thực tế không có tí vàng nào để bán và rồi mua lại ở giá thấp hơn! Một hệ thống thị trường đểu giả!
Bằng cách này, giá vàng bị giảm một cách giả tạo và các ngân hàng tạo ra lợi nhuận đáng kể. Lưu ý rằng trong tất cả quá trình hoạt động đó, không có tý vàng vật chất nào được động đến hay sở hữu.
99% giao dịch vàng (Futures + FX) là hoàn toàn ảo |
Các chủ ngân hàng phải dùng đến những chiến thuật mạo hiểm như vậy bởi vì Hoa Kỳ đã bán hết cả số vàng vật chất họ có để ngăn chặn sự tăng giá. Ngày nay, 99% giao dịch vàng và bạc không đi kèm với vàng hay bạc vật chất (xem biểu đồ). Trên thị trường bạc, cần đến 130 ngày sản xuất của tất cả các mỏ bạc trên thế giới để có được lượng bạc đã được bán khống (của những kẻ không có bạc vật chất nhưng vẫn bán để đẩy giá bạc xuống).
- Vàng/bạc vật chất
Giá thấp giả tạo của vàng/bạc đẩy nhiều nhà sản xuất (khai thác) đến phá sản và buộc những công ty sống sót phải hạn chế tối đa các khoản đầu tư của họ (thăm dò, công cụ sản xuất…). Trong khi đó, chi phí khai thác mỏ tăng mạnh với mức tăng 150% từ năm 2003 đến 2009.
Giá bị kìm nén dẫn đến sự suy yếu nguồn cung của vàng và bạc vật chất, đồng thời kích thích cầu (công nghiệp, kim hoàn, các ngân hàng trung ương, cá nhân…).
Sản lượng vàng (đường xanh dương) so với nhu cầu mua (đường xanh lá cây) trên toàn thế giới (1950 – 2013) |
Kết quả là nguồn cung tăng chậm hơn cầu. Tình trạng này xảy ra với thị trường vàng vật chất nơi mà khoảng cách giữa nhu cầu và sản xuất khai thác vẫn tiếp tục mở rộng từ năm 1970 (xem biểu đồ).
Trong khi nhu cầu chung về vàng đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990, loại sản phẩm vàng có mức gia tăng về cầu cao nhất là đồng tiền vàng và vàng miếng, với mức gia tăng đột biến 150% từ năm 2008 đến 2013.
Sản lượng bạc (đường xanh dương) so với nhu cầu mua (đường xanh lá cây) trên toàn thế giới (1950 – 2011) |
Tình hình thị trường bạc vật chất cũng tương tự. Bạc bị thâm hụt từ năm 1980 (xem đường màu đỏ trong biểu đồ).
Trong khi nhu cầu bạc tăng 15% trong ba năm qua, sự gia tăng chính nằm trong đồng tiền bằng bạc và bạc miếng, với mức gia tăng 76% trong năm 2013 so với năm trước đó.
Kết quả của sự gia tăng ngày càng lớn giữa cung và cầu là một số dấu hiệu của sự thiếu hụt đã bắt đầu xuất hiện. Sở Đúc tiền Hoàng gia Anh không có đủ đồng tiền vàng để bán trong năm 2014 do “mức cầu cao đặc biệt”. Sở Đúc tiền Mỹ không có đủ đồng bạc Silver Eagle để bán trong năm 2013. Sở Đúc tiền Canada cũng gặp vấn đề tương tự. Khi được hỏi về tình trạng thiếu bạc, giám đốc bán hàng của Sở Đúc tiền Hoàng gia Canada trả lời: “Nhu cầu của bạc ngay bây giờ đang là cao ngất trời và nó không hề có dấu hiệu chậm lại. Việc tìm kiếm nguồn cung cấp bạc đang trở nên rất khó khăn.”
Một giải pháp tạm thời để đối phó với tình trạng thiếu hụt là các tổ chức nắm giữ số lượng lớn kim loại quý xả nguồn dự trữ của họ vào thị trường. Nhưng những nguồn này không phải là vô tận. Bạc tồn kho tại Sở Giao dịch Hợp đồng Tương lai Thượng Hải đã suy giảm hơn 90% từ gần 1200 tấn vào tháng 2/2013 xuống khoảng 100 tấn vào tháng 10/2014. Tương tự, COMEX, một trung tâm giao dịch vàng chính, thấy lượng vàng tồn kho của họ giảm 60% từ tháng tư đến tháng tám năm 2013.
Ngày 12/12/2014, Gunvor Group Ltd., nhà kinh doanh dầu mỏ lớn thứ năm trên thế giới, đóng cửa chi nhánh kim loại quý của họ vì “những khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp ổn định của vàng có hồ sơ nguồn gốc rõ ràng”. Tuyên bố này khẳng định sự thiếu hụt đang xảy ra nhưng cũng cho thấy một số bên đang bán vàng mà lẽ ra họ không được bán.
Trong bối cảnh như vậy, chúng ta tự hỏi tại sao nhiều quốc gia (Hà Lan, Pháp, Bỉ, Áo, Đức, Thụy Sĩ, Venezuela, Lybia, Iran…) cố gắng để lấy về lượng vàng dự trữ quốc gia cất giữ tại nước ngoài của họ cùng một lúc. Có phải các chính phủ sợ một cuộc khủng hoảng tiền tệ đột ngột? Có phải họ sợ các nước cất giữ vàng của họ (Vương quốc Anh, Hoa Kỳ) đã bán số vàng đó? Có phải họ thấy một hiệp ước Bretton Woods mới đang đến gần và muốn gia tăng tối đa sức mạnh đàm phán của họ? Có phải họ nghĩ các nước cất giữ vàng (Vương quốc Anh, Hoa Kỳ) không phải là nơi trú ẩn an toàn cho lắm trong tương lai gần?
Thế Chiến 3 đã bắt đầu
Ngoài mức đòn bẩy quá mức, giao dịch tần số cao, bong bóng phát sinh khổng lồ, và tình trạng thiếu hụt vàng và bạc đang đến gần, sai lầm lớn nhất của giới đầu sỏ là cách chúng giao thiệp với những cường quốc mới nổi như Nga và Trung Quốc.
Vào thời điểm mà sức mạnh của “giới ưu tú phương Tây” có vẻ lớn hơn bao giờ hết, Vladimir Putin mang lại sự hồi sinh bất ngờ cho nước Nga, quốc gia sản xuất dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới hiện nay. Nước này nắm giữ khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ là 400 tỷ đôla và một lượng đáng kể vàng vật chất. Nợ công của họ chỉ là 9% GDP (so sánh với các nước phương Tây thường là từ 70% đến 130%).
Tỷ lệ nợ công so với GDP năm 2011 (Thanh màu xanh lá cây là Nga và Trung Quốc) |
Không phải sự mơ tưởng hão huyền của giới đầu sỏ phương Tây khiến chúng đánh giá thấp Putin, mà là lòng tham vô hạn của chúng đã khiến chúng di chuyển các ngành công nghiệp ở Hoa Kỳ và châu Âu sang các nước đang phát triển, bởi nô lệ ở các nước thế giới thứ ba bao giờ cũng rẻ hơn nô lệ ở Mỹ.
Nước cờ này cho phép dẫn đến sự trỗi dậy của những nền kinh tế lớn như Trung Quốc. Trung Quốc có GDP lớn nhất thế giới (điều chỉnh theo sức mua tương đương), nợ công của nước này chỉ có 31,7% GDP. Trung Quốc là quốc gia sản xuất vàng hàng đầu thế giới và họ nắm giữ lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, ước tính khoảng 4 ngàn tỷ đôla, trong đó có 400 tỷ đôla Mỹ bằng tiền (còn lại là các loại sản phẩm tài chính khác như trái phiếu chính phủ).
Putin đã làm nên điều kỳ diệu cho đất nước của mình. Đồng thời, ông cũng phát triển một hướng đi vững chắc khác cho thế giới thay thế cho “học thuyết sốc” của cái gọi là chủ nghĩa tự do thực thi bởi Mỹ và tay sai phương Tây. Học thuyết địa chính trị của Putin dựa trên sự tôn trọng đối với chủ quyền quốc gia, sự hợp tác lẫn nhau và sự xuất hiện của một thế giới đa cực thực sự. Cách nhìn này đã mang lại những đồng minh mạnh mẽ như Trung Quốc và Ấn Độ.
Đế chế Hoa Kỳ không khác gì những đế chế trước đây. Nó luôn cần nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhiều tiền bạc và nô lệ hơn nữa cho sự tồn tại của nó. Sự xuất hiện của một thế giới khác đe dọa độc quyền của Hoa Kỳ đối với những yếu tố đó. Do vậy, khối BRICS nói chung và nước Nga nói riêng đã trở thành kẻ thù chính của đế chế Hoa Kỳ, một đế chế không thể dung thứ bất cứ đối thủ cạnh tranh nào, dù là về mặt kinh tế, tài chính, chính trị hay ý thức hệ. Đế chế Hoa Kỳ đã tuyên chiến trên tất cả các mặt đó.
Cuộc đảo chính tại Ukraine, sự bất ổn ở Chechnya, Belorussia hay Georgia là những nỗ lực nhằm đẩy các nước láng giềng của Nga đi theo “bóng tối”. Tương tự, những rắc rối tại Hồng Kông hay Tây Tạng là các nỗ lực gây bất ổn ở biên giới Trung Quốc. Hoa Kỳ đã tài trợ các “nhà hoạt động” chống Putin, với kế hoạch tái thực hiện một “Maidan” kiểu Ukraine nữa, nhưng lần này tại Nga.
Sụt giảm giá dầu mỏ
Ngoài các thủ đoạn gây bất ổn trên, một cuộc tấn công thầm lặng và nguy hiểm hơn đang diễn ra. Nó nhằm mục đích hủy diệt nền kinh tế Nga bởi vì, như lịch sử đã cho thấy, dân chúng nghèo đói thì dễ bị thao túng hơn, và các chính phủ trên bờ vực phá sản không có mấy sức mạnh thương lượng.
Nước đi đầu tiên là các đòn trừng phạt kinh tế chống lại Nga. Ngày 28/12, những tổ chức xếp hạng tín dụng làm tồi tệ đòn trừng phạt kinh tế thêm bằng cách hạ thấp trái phiếu Nga xuống gần mức rác rưởi mặc dù Nga có một trong những nền kinh tế vững chắc nhất thế giới. Nước cờ thuần túy chính trị này nhằm tăng chi phí trả nợ của Nga.
Trong hàng năm trời, giá dầu mỏ quanh quẩn ở 90 đôla. Đột nhiên nó giảm hơn 50% và rơi xuống 50 đôa. |
Chẳng bao lâu sau các biện pháp trừng phạt kinh tế, giá dầu mỏ giảm như có phép thuật từ 100 đôla một thùng xuống dưới 60 đôla. Lời giải thích chính thức là do sự gia tăng trong khai thác và nhu cầu ảm đạm. Trong khi đây có thể đóng góp một phần, nó không thể là lý do chính. Tại thời điểm này, chúng ta biết rằng thị trường bị thao túng một cách nghiêm trọng. Sự sụt giảm giá dầu mỏ gần như chắc chắn là một động thái chính trị cố ý nhằm làm suy yếu Nga, một nước xuất khẩu dầu mỏ lớn.
Giá dầu cần để hòa vốn của các dự án dầu đá phiến ở Mỹ |
Tuy nhiên, Mỹ cũng sản xuất dầu mỏ. Công nghệ khai thác bằng thủy lực (fracking) thường dùng ở Mỹ lại có chi phí cao. Nó cần giá dầu cao (hơn 80 đôla một thùng) để duy trì lợi nhuận.
Khi chúng ta biết rằng các doanh nghiệp khai thác thủy lực là một trong những bên tiếp nhận chính của các khoản nợ (550 tỷ đôla) tạo ra bởi đợt in tiền điên cuồng gần đây, chúng ta có thể thấy làn sóng vỡ nợ đang đến trong ngành và những tác động tiềm năng lên toàn bộ ngành ngân hàng. Hãy nhớ rằng cuộc khủng hoảng năm 2008 bị kích hoạt bởi một làn sóng vỡ nợ (trong lĩnh vực thế chấp nhà đất).
Cuộc tấn công lên đồng rúp
Cuộc tấn công lên đồng rúp là một nỗ lực trắng trợn nhằm hủy diệt đồng tiền của Nga. Trong nhiều tháng trời, đồng rúp đã dần dần bị mất giá so với đồng đôla. Như các nước xuất khẩu dầu mỏ khác, Nga bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự sụt giảm mạnh của giá dầu. Giữa bối cảnh không thuận lợi này, cuộc tấn công đầu cơ phối hợp bắt đầu vào ngày 15/12. Khối lượng giao dịch tăng mạnh, và hầu hết được thực hiện từ London.
Georges Soros đánh quỵ đồng bảng Anh năm 1992 và các nhà đầu cơ hy vọng làm điều tương tự với đồng rúp. Chúng sử dụng hai chiến thuật chính: 1. vay bằng đồng rúp để bán và mua đôla (thông qua đó làm mất giá đồng rúp) 2. bán khống đồng rúp và mua lại sau đó khi giá đã giảm do khối lượng khổng lồ bán ra.
Tỷ lệ trao đổi rúp/đôla. Cuộc tấn công vào đồng rúp diễn ra từ ngày 15 – 17 (khoanh đỏ). |
Sau hai ngày chiến trận hoành tráng trong đó giá trị đồng rúp rơi từ 58 rúp đổi 1 đôla xuống 75 rúp đổi 1 đôla, nó quay trở lại giá trị ban đầu (khoảng 58 rúp/đôla) và ổn định ở mức này (xem biểu đồ).
Nước đi của các nhà đầu cơ tài chính phương Tây cuối cùng là một thất bại lớn. Nước Nga nâng lãi suất lên 17% khiến việc vay bằng đồng rúp tốn kém hơn rất nhiều (xem chiến thuật 1). Nga và có lẽ cả Trung Quốc bán ra số lượng lớn đôla để mua đồng rúp. Vào cuối ngày, lũ đầu cơ kền kền mất rất nhiều tiền trong khi Nga và Trung Quốc được lợi nhuận đáng kể (mua vào đồng rúp rẻ một cách bất thường) và lợi ích chính trị thông qua việc bán đi được lượng lớn đôla và cho thế giới thấy khả năng phục hồi về tài chính của họ.
Sự phòng vệ của khối BRICS
Các nước BRICS đã có kinh nghiệm đau đớn về những chiến thuật bẩn thỉu sử dụng bởi Hoa Kỳ và họ chuẩn bị một số chiến lược phòng vệ. Trong hàng năm trời, họ làm việc để tự giải phóng khỏi sự nô lệ với đồng đôla.
Để làm vậy, họ đã bắt đầu nhiều biện pháp loại trừ đôla quan trọng. Ngày càng nhiều hợp đồng (hoán đổi tiền tệ, cổ phiếu, trái phiếu, ngân hàng phát triển, dầu mỏ, khí đốt, thiết bị công nghiệp, và các hoạt động thương mại song phương khác) được thực hiện trực tiếp bằng đồng tiền của hai bên, bỏ qua đồng đôla Mỹ.
Trung Quốc và Nga cũng đang quyết liệt giảm tỷ lệ dự trữ đôla của họ. Vào tháng 9/2013, Trung Quốc, nước nắm giữ đôla chính trên thế giới, tuyên bố chính thức sẽ ngừng tích trữ đôla.
Nhu cầu đôla giảm xuống dưới 0 lần đầu tiên sau 18 năm |
Dĩ nhiên, những biện pháp loại trừ đôla này đang có một số tác động. Ví dụ, nhu cầu mua đôla đã giảm xuống dưới 0 trong năm 2014, lần đầu tiên kể từ năm 1997 (xem biểu đồ).
Trong ván bài tài chính lớn này, Putin và đồng minh Trung Quốc của ông đã thực hiện một nước đi kiệt tác. Họ đã dùng chính sự thao túng của kẻ tấn công là Hoa Kỳ để chống lại Hoa Kỳ bằng cách tận dụng triệt để sự định giá quá cao của đồng đôla và quá thấp của vàng. Do vậy, khi họ bán năng lượng hay hàng hóa sản xuất, họ vẫn chấp nhận đôla nhưng ngay lập tức dùng nó để mua vàng vật chất.
Đây là một nước cờ rất thông minh vì nó làm suy yếu đồng đôla Mỹ (tăng cung do lượng bán ra rất lớn) trong khi tăng cường giá trị cho đối thủ cạnh tranh chính của đồng đôla là vàng vật chất (do lượng mua vào rất lớn).
Vàng ở Trung Quốc: lượng khai thác (thanh vàng); nhập khẩu (thanh đỏ) và tổng lượng vàng tích trữ từ năm 2000 (đường đen) |
Ở đây, chúng ta đang nói về những khối lượng giao dịch khổng lồ. Trung Quốc là nhà sản xuất vàng hàng đầu trên thế giới, và nó cũng là nước nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới. Chỉ trong năm 2013, họ sản xuất 400 tấn vàng và nhập khẩu 1200 tấn. Tổng cộng đó là 1600 tấn vàng chỉ trong một năm. Từ năm 2000, Trung Quốc có khả năng đã tích trữ hơn 6000 tấn vàng và nhu cầu vàng của họ đang tăng theo cấp số nhân (xem biểu đồ).
Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải là trung tâm nhập khẩu vàng của Trung Quốc. Chỉ riêng tại nơi này, lượng vàng rút ra, hơn 50 tấn một tuần, đã thường xuyên vượt quá sản lượng vàng của cả thế giới.
Dự trữ vàng của Nga |
Nga đang đi theo xu hướng tương tự. Họ là nước sản xuất vàng thứ 3 trên thế giới và trong tương lai gần sẽ chiếm vị trí thứ 2.
Nga cũng đang ồ ạt tăng dự trữ vàng của họ: chỉ trong tháng 9/2014, họ đã thêm một lượng vàng đáng kinh ngạc là 30 tấn vào dự trữ của họ (xem biểu đồ).
Với tốc độ hiện nay, lượng vàng vật chất mua vào của cả Nga và Trung Quốc lên đến 10000 tấn một năm. Đó là gần gấp ba sản lượng vàng hàng năm của cả thế giới và nhiều hơn con số dự trữ vàng chính thức của Hoa Kỳ (con số chính thức này lại vượt xa con số thực tế).
Những thay đổi lớn này đang diễn ra trên một thị trường đôla bấp bênh sẵn sàng đổ sụp và một thị trường vàng có vẻ đã cài số để sẵn sàng tăng vọt.
Phương Tây sẽ có thể mua năng lượng từ Nga và hàng hóa từ Trung Quốc bằng vàng vật chất trong bao lâu? Điều gì sẽ xảy ra với đồng đôla Mỹ sau khi phương Tây không còn vàng vật chất để trả cho năng lượng Nga và hàng hóa Trung Quốc?
Mục tiêu mà Nga và Trung Quốc đang theo đuổi có vẻ rất rõ ràng. Họ muốn kết thúc sự bá chủ của đồng đôla Mỹ. Một sự sụp đổ như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến một hiệp ước Bretton Woods mới đánh dấu sự xuất hiện của một loại tiền tệ quốc tế mới, có nhiều khả năng dựa trên tập hợp một số đồng tiền quốc gia (nhân dân tệ, rúp) có thể được đảm bảo bằng vàng.
Nhớ rằng suy cho cùng thì niềm tin tập thể vào một đồng tiền là thứ mang lại cho nó giá trị. Nếu niềm tin này mất đi, đồng tiền đó sẽ mất đi cùng với nó. Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, đồng đôla có thể dễ dàng đi vào một vòng xoáy dẫn đến sự hủy diệt:
Giảm nhẹ giá trị đồng đôla → mất chút niềm tin vào đồng đôla → đôla bị bán / vàng được mua → đôla đi xuống, vàng đi lên → giảm niềm tin vào đôla / tăng niềm tin vào vàng → v.v…
Nhưng hệ thống ngân hàng hiện nay bấp bênh đến mức sự sụp đổ của đồng đôla Mỹ có thể kéo theo toàn bộ hệ thống ngân hàng với nó.
Quan điểm và kiến nghị?
Cuộc chiến tài chính đang diễn ra ác liệt và cả hai đối thủ đều đã vào “hết mình”. Một trong hai bên sẽ mất tất cả. Tương lai là mở và đưa ra dự đoán là một việc khó khăn, nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu 2015 trở thành năm mà đồng đôla và hệ thống ngân hàng sụp đổ.
Hành động hợp lý do đó sẽ là tránh xa hệ thống ngân hàng và bất cứ loại tiền tệ nào, đặc biệt là đồng đôla. Bạn có thể muốn xem xét chương trình hành động sau:
- Rút tiền mặt khỏi tài khoản ngân hàng (chỉ giữ mức tối thiểu trong đó)
- Đóng tài khoản tiết kiệm
- Bán cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm tài chính tương tự
- Nếu có thể, trả hết nợ mua nhà và các khoản nợ khác
- Nếu bạn có chương trình đầu tư cho tuổi già, bây giờ cũng là thời điểm tốt để đóng nó lại
- Dùng tất cả số tiền mà bạn thu được từ năm điểm trên để mua những tài sản hữu ích hoặc được nhiều người cần đến trong lúc khủng hoảng (dầu, xăng, máy phát điện, thực phẩm không dễ hư hỏng, công cụ, súng đạn, ác quy, thuốc men, xà phòng, máy lọc nước…)
- Cố gắng chuyển đến địa điểm có khả năng tồn tại bền vững và tránh xa các thành phố lớn (dân số quá đông và khan hiếm tài nguyên chắc chắn sẽ dẫn đến bạo lực)
- Phát triển các kỹ năng của bạn (sơ cứu người bị nạn, cơ khí, nghề mộc, đánh cá, săn bắn, trồng trọt…)
- Phát triển mạng lưới người quen: giúp đỡ lẫn nhau là cách tốt nhất để đối phó với nghịch cảnh
Ít có khả năng là tất cả các hoạt động kinh tế tài chính sẽ biến mất sau một đêm. Do đó, có thể có một cửa sổ cơ hội vào lúc bắt đầu của sự sụp đổ tài chính khi mà các loại tiền tệ giảm mạnh và vàng bạc vật chất tiến đến giá trị thực của nó, và các hoạt động kinh tế / thương mại vẫn còn diễn ra (mặc dù suy giảm).
Trong sự chuyển đổi như vậy, vàng và bạc vật chất có thể có giá trị lớn và là phương tiện để mua các tài sản hữu ích trước khi các hoạt động kinh tế giảm xuống gần bằng không. Các đồng vàng/bạc nhỏ tốt hơn các đồng lớn vì chúng dễ trao đổi hơn. Ngoài ra, không cất giữ vàng bạc trong ngân hàng. Vào đầu tháng giêng năm 2015, một ounce đồng tiền bạc American Eagle là 19,80 đôla.
thiện says
bài quá hay !!!
Abc says
Đọc xong thấy sợ bọn tư bản luôn …
Bình VSG says
Rất thú vị !!
TRAN TUAN ANH says
Cảm ơn anh chia sẻ bài viết hay
Gần cuối năm 2015 mới đọc được bài này, em thấy giá vàng đang xuống, có vẻ không khớp với dự đoán của bài viết
Anh có thể chia sẻ quan điểm về thực tế so với bài viết được không anh
LeD says
Vàng vẫn đang trong 1 downtrend mạnh, nên ta chỉ có lệnh sell chứ tuyệt đối không buy.
Bạn hãy bật biểu đồ nến tháng (Monthly), những gì xảy ra bên tay trái nhiều khi sẽ xảy ra tương tự ở bên phải, theo chiều ngược lại.
Vàng sẽ còn xuống nữa, nhưng xuống đến đâu thì chúng ta không thể biết và cũng không nên đoán.
huong thao says
Rat hay . Cam on bai chia se cua anh
Nguyễn Đình Thắng says
bài viết thực sự rất hay, nó nêu ra một sự thật trần trụi về cái gọi là ngân hàng, tiền bạc; những bí mật và âm mưu khủng khiếp đang chi phối tình hình tài chính và cả tình hình chính trị trên toàn thé giới, đọc xong bài này và nghiền ngẫm bạn có thể sẽ ngộ ra cho mình nhiều góc nhín độc đáo, điều này sẽ ảnh hưởng đến thế giới quan của bạn khá nhiều.
cảm ơn anh LeD đã sưu tầm và chia sẻ bài này với cộng đồng trader Việt Nam, một lần nữa cảm ơn anh !
Huong Dao says
cho em hỏi nếu hơi ngu, theo như em hiểu từ bài viết thì bản thân việc giao dịch tiền trên forex cũng là một dạng lừa đảo hoặc là đang ủng hộ sự thao túng của các ngân hàng? Bởi vì chúng ta không thực sự mua bán vàng/đô la hay các đồng tiền khác trên forex bằng tiền mặt?